Bỏ quy định chặn đăng kiểm xe do vi phạm giao thông?


Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015 đã bỏ quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Thông tư số 70/2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Bỏ quy định chặn đăng kiểm xe do vi phạm giao thông? (Ảnh minh họa)
Theo quy định hiện hành, chu kỳ kiểm định của xe chở người đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là 18 tháng với chu kỳ đầu, đối với chu kỳ định kỳ của xe đến 7 năm là 6 tháng.
 
Tuy nhiên, dự thảo quy định kéo dài thời hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng…).
 
Cụ thể, khi đăng kiểm lần đầu để được cấp biển số lưu thông, hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm là 24 tháng.
 
Trong vòng 30 ngày sau khi được cấp chứng nhận kiểm định lần đầu, nếu xe ô tô tiếp tục thực hiện kiểm định vẫn được tính là kỳ đăng kiểm đầu tiên.
 
Lần đăng kiểm tiếp theo, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng/lần đối với xe có năm sản xuất đến 7 năm (hiện quy định là 6 tháng/lần).
 
Sau thời hạn trên, thời hạn đăng kiểm mới giữ ở mức 6 tháng/lần như hiện nay.
 
Lý gải về việc thay đổi này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay chủ xe cơ giới đã quan tâm đến bảo dưỡng sửa chữa giữa hai kỳ kiểm định nên chất lượng phương tiện tăng lên, theo thống kê, tỷ lệ xe chở người đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải đến 5 năm kiểm định lần 1 không đạt là: năm 2019 là 6,3 %, năm 2020 là 5.9%.
 
Tần suất hoạt động của xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải cũng giảm đi do xuất hiện nhiều xe kinh doanh vận tải theo hình thức taxi công nghệ (trước đây chỉ có xe taxi truyền thống).
 
Việc thay đổi chu kỳ của xe chở người đến 9 chỗ ngồi đến 5 năm kinh doanh vận tải là quay lại với quy định cũ tại Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT.
 
Bên cạnh đó, một trong những quy định mới đáng chú ý khác của dự thảo Thông tư này là việc chuẩn hóa thủ tục thế chấp phương tiện.
 
Theo đó, khi đăng kiểm xe thế chấp ngân hàng phải xuất trình bản sao giấy đăng ký xe, phải có chứng thực kèm bản gốc giấy biên nhận thế chấp của tổ chức tín dụng; xe thanh lý của lực lượng quốc phòng phải có bản sao chứng thực văn bản thanh lý xe của Bộ Tổng tham mưu; quyết định bán tài sản tại cảng biển của Hội đồng xử lý hàng tồn đọng do lãnh đạo Sở Tài chính là Chủ tịch hội đồng…
 
Ngoài ra, thời gian qua, theo quy định tại Thông tư 70/2015, nhiều trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước gửi văn bản đề nghị từ chối tiếp nhận đăng kiểm xe ô tô.
 
Tuy nhiên, tại dự thảo đã bỏ quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
 
Thay vào đó, chỉ đưa vào cảnh báo đăng kiểm đối với các trường hợp xe vi phạm Luật Giao thông Đường bộ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát.
 
Các trường hợp trên được tiếp nhận đăng kiểm, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp giấy, tem kiểm định thời hạn 15 ngày.

0
Bình luận
Please Login to comment
avatar