Không chỉ chứng kiến sự tranh đấu quyết liệt cho chức vô địch, mùa giải F1 2022 sẽ có nhiều thay đổi khiến giải đấu này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Vậy là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, mùa giải F1 2022 sẽ chính thức khởi tranh. 2022 sẽ là năm khởi đầu cho kỉ nguyên mới, sự khởi đầu mới với hàng loạt thay đổi trên thiết kế của xe đua các đội mà đáng lẽ ra đã xuất hiện từ mùa giải 2021 nhưng đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.
Những thay đổi này là gì, có ảnh hưởng ra sao đến chiếc xe, hãy cùng điểm qua trong bài viết dưới đây.
1. Cánh gió trước mới
Cánh gió trước là phần cực kì trọng của bất kỳ chiếc xe F1 nào, vì nó là điểm tiếp xúc đầu tiên với không khí và hướng dòng chảy qua phần còn lại của các bề mặt khí động học. Vì thế, một thay nhỏ ở chi tiết này cũng đem đến những kết quả khác biệt.
Thiết kế cánh gió trước của xe mùa giải 2022 đơn giản hơn nhưng lại sở hữu những chi tiết nhô cao. Sự thay đổi này làm giảm luồng khí xoáy nhiễu loạn ở phần đuôi xe mà các kĩ sư vẫn quen gọi là Y250 vortex.
Thiết kế cánh gió này sẽ giúp chiếc xe tăng hệ số bám đường, tăng tốc độ xe và dễ dàng bám đuổi xe phía trước khi đang thi đấu.
2. Kích thước mâm và lốp
Bước sang mùa giải 2022, những chuyển xe đua đã chuyển qua kích thước mâm 18 inch thay cho mâm 13 inch, cùng với đó là lốp low-profile – lốp cấu hình thấp đến từ Pirelli.
Có thể hiểu đơn giản rằng, lốp cấu hình thấp là một bộ lốp có thành lốp mỏng hơn so với những bộ lốp thông thường, chúng ta dễ dàng gặp những bộ lốp này trên những chiếc xe thể thao. Theo Pirelli chia sẻ, những bộ lốp này sẽ ít bị quá nhiệt so với thế hệ lốp trước kia.
Cùng với bộ mâm lốp mới, cánh gió nhỏ uốn cong theo lốp cũng lần đầu tiên xuất hiện trên những chiếc xe đua F1, những kĩ sư hy vọng rằng thiết kế mới sẽ làm giảm luồng khí nhiễu loạn ở phần đầu xe, tăng khả năng vận hành và giảm đi hệ số cản gió của những chiếc xe.
3. Cánh gió sau
Cánh trước thay đổi thì cánh sau cũng không ngoại lệ.
Bỏ đi thiết kế góc cạnh, cánh gió sau những chiếc xe đua F1 2022 mềm mại hơn. Hình dạng này làm giảm lượng không khí nhiễu loạn gây ảnh hưởng cho xe phía sau.
Mặc dù điều này làm cho cánh sau kém hiệu quả hơn về mặt tạo ra lực xuống thuần túy, nhưng việc bổ sung cánh dầm lần đầu tiên kể từ năm 2013, hoạt động cùng với luồng không khí thoát ra khỏi sàn, sẽ bù đắp cho sự mất mát của lực nén xuống mặt đường (downforce).
Đồng thời, thiết kế cánh gió mới sẽ hướng luồng khí nhiễu loạn lên cao, tránh ảnh hưởng đến xe phía sau.
4. Sàn xe
Khác với sự thay đổi rõ ràng có thể nhìn thấy của thiết kế cánh gió trước và sau, sàn xe giờ đây sẽ đóng một phần lớn vào tính khí động học của chiếc xe, dù sự thay đổi này rất khó nhìn thấy.
Cả hình dạng và đường nét thiết kế của sàn xe đều đã thay đổi, với luồng không khí được kiểm soát nhiều hơn bên dưới xe nhờ hai đường hầm dưới sàn có hình dạng hoàn chỉnh. Thiết kế mới này sẽ giúp cho luồng không khí dưới sàn xe thoát ra nhanh hơn, tạo ra ít áp suất dưới sàn xe, từ đó giúp chiếc xe bám đường hơn, phân tán luồng không khí tốt tới xe sau.
Cùng với sự thay đổi của các cánh gió, hiệu suất khí động học từ gầm xe cũng tăng lên, tổng hòa lại sẽ nâng hiệu suất của những chiếc xe đua F1 2022 lên đáng kể.
5. Sườn xe
Những cánh gió ở thân xe đã bị loại bỏ, thay vào đó là hầm gió mới. Những cánh gió cũ ở phần thân xe bị loại bỏ bởi nó tạo ra một luồng không khí nhiễu loạn, ảnh hưởng lớn đến xe phía sau. Vậy nên, chi tiết này đã bị loại bỏ để tập trung tối đa tính khí động học vào phần sàn xe.
6. Nhiên liệu
F1 vẫn bị chỉ trích bởi các nhà môi trường do lượng phát thải khí xả lớn. Cùng với việc ngành công nghiệp xe hơi đang dần bước sang kỉ nguyên điện, để tiếp tục duy trì vững mạnh, những chiếc xe F1 thế hệ mới cùng cần phải trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Trước đây, các đội F1 có thể sử dụng nhiên liệu được tạo thành từ 5,75% thành phần sinh học, nhưng từ năm nay sẽ có sự chuyển đổi sang nhiên liệu E10. E là viết tắt của ethanol – thành phần sinh học mà tất cả các đội phải sử dụng – và 10 là phần trăm của nhiên liệu, vì vậy nhiên liệu E10 có nghĩa là 10% ethanol.
Việc sử dụng nhiên liệu mới sẽ ảnh hưởng không ít đến hiệu suất động cơ của xe, tuy nhiên, để có thể duy trì cuộc chơi lâu dài, các đội đua buộc phải thay đổi để đi theo thời đại.
7. Khung gầm
Trọng lượng của xe đua mùa giải 2022 tằng thêm 5%, từ 752kg lên 790kg. Sự tăng cân này ngoài ảnh hưởng bởi những bộ lốp nở to và nặng thêm 14kg, còn là những thay đổi về khung gầm để đáp ứng được yêu cầu an toàn.
So với những chiếc xe F1 mùa giải năm 2021, khung gầm những chiếc xe mùa giải 2022 phải chịu được lực nhiều hơn 48% trong bài kiểm tra va chạm phía trước và 15% ở phía sau, đồng thời bộ khung mới cũng phải vượt qua bài kiểm tra lực ép tĩnh.
Phần mũi cũng dài hơn để giúp giảm bớt lực khi xảy ra va chạm, đồng thời, bài học kinh nghiệm từ vụ tai nạn của Romain Grosjean ở Bahrain năm 2020 đã dẫn đến một thiết kế cho phép bộ phận động lực có thể tách rời khỏi khung gầm mà không làm lộ bình nhiên liệu trong trường hợp xảy ra va chạm.
Bình luận