Mua xe cũ ở Mỹ, dễ thì có dễ nhưng không hẳn như tưởng tượng của nhiều người, phụ thuộc vào may rủi và thường xui nhiều hơn hên.
Bài trước: Mua xe cũ ở Mỹ (kỳ 1): Dễ nhưng khó quyết
Như bài trước đã từng kể với các bạn, mua xe cũ ở Mỹ tuy dễ nhưng có khá nhiều thứ cần để ý. Đầu tiên là bạn định mua chiếc xe khoảng bao nhiêu tiền. Lúc đầu nghe nhiều người nói chỉ cần vài ngàn USD là đã mua được chiếc sedan cũ chạy tốt nên tôi cũng không lo lắm về mặt tài chính. Đặc biệt là sau khi lái xe với tình trạng đường xá ưu việt hơn nhiều so với ở nhà nên tôi càng không nghĩ ngợi nhiều về mặt chất lượng xe. Tuy nhiên càng đi vào tìm hiểu càng thấy không đơn giản như vậy.
Ở Mỹ, các thông tin xe cũ được đăng tải trên mạng rất nhiều. Nếu muốn giới hạn đối tượng bán xe tìm kiếm là cá nhân thì chọn mục “By-Owner Only”, còn không thì kết quả tìm kiếm sẽ bao gồm cả các tiệm bán xe cũ hoặc cá nhân buôn xe chuyên nghiệp. Tìm hiểu ra thì có hai kiểu đại lý: một là đại lý chuyên nghiệp (bao gồm cả showroom hãng, cửa hàng xe cũ, có chỗ trưng bày, địa chỉ giao dịch cụ thể, hai là đại lý không chuyên (nhưng vẫn có giấy phép hành nghề đàng hoàng). Nhóm đại lý không chuyên thường không có cửa hàng cố định nhưng vẫn được phép kinh doanh xe đã qua sử dụng. Nếu mua xe của đại lý không chuyên có thể giá sẽ thấp hơn so với đại lý chuyên nghiệp vì bạn có thể mặc cả thoải mái với họ, nhưng nhiều người quen khuyên tốt nhất là tìm mua xe của cá nhân. Trong cú pháp tìm kiếm nên thêm các địa danh khu dân cư giàu có khá giả gần nơi bạn sống để tăng thêm cơ may gặp được những chiếc xe tốt với giá hời. Một người bạn của tôi đã mua được một chiếc SUV của một gia đình nhân viên ngoại giao ở Potomac, xe đi ít và họ bán với giá khá thoáng. Nhưng gặp được những trường hợp như thế là khá hiếm và thường thì bạn luôn phải tâm niệm các dấu hiệu được những người đi trước cảnh báo khi tìm mua xe cũ. Thông tin về chiếc xe phải rõ ràng, ảnh chụp càng nhiều càng tốt cả trong lẫn ngoài. Trong thông tin về xe mà có những từ như “salvage’ hay “rebuilt” thì tuyệt đối tránh vì theo kinh nghiệm đây là xe đã bị tai nạn hư hỏng nặng hoặc xe ăn cắp đã “mông má” lại để bán. Ngoài ra nếu thấy quảng cáo xe tư nhân mà có tiếng Tây Ban Nha cũng tránh luôn vì đây thường là “thợ” kinh doanh mua đi bán lại xe chuyên nghiệp. Nên ưu tiên các quảng cáo có VIN (Vehicle Identification Number) vì đây là thông tin cần thiết để để check tình trạng xe xem xe có bị tai nạn, ngập nước, hay là xe đã hỏng hóc qua bán đấu giá, mang về mông má lại). Xe càng ít đời chủ càng tốt. Tránh các xe đã dùng để cho thuê vì khi người thuê thường không giữ xe, không đem bảo dưỡng xe đúng hạn, không sửa chữa kịp thời vì không phải xe của họ.
Một điểm băn khoăn lớn nhất khi mua xe cũ ở Việt Nam là không rõ chiếc xe này có bị tai nạn gì chưa, đã sửa chữa những gì, xe có vướng cầm cố công nợ gì không… làm cho người mua kể cả có bạn am hiểu về xe trợ giúp cũng không thực sự yên tâm. Điểm này ở Mỹ được giải quyết rất triệt để bằng báo cáo của bên thứ 3. Hầu như thông tin về xe ô tô lưu hành tại Mỹ đều có ở các trang web Carfax và autocheck, xe bị tai nạn chưa, đảo lốp ngày nào, sửa cái gì, có đang nợ ngân hàng không … đều được liệt kê rõ ràng. Thông tin này không miễn phí, theo đơn giá hiện hành của Carfax, người dùng phải trả 39,99 USD cho 1 báo cáo, 5 báo cáo phải trả 59,99 USD. Còn nếu bạn sẵn sàng trả 69,99 USD bạn sẽ có quyền lấy bao nhiêu báo cáo cũng được trong vòng 60 ngày. Do vậy để giảm khoản tiền này, nên tìm vài người có cùng nhu cầu mua xe cũ để chia sẻ chi phí. Nhưng hiện tại, các ứng dụng mua bán xe ô tô và cả người bán xe hầu như đều cung cấp miễn phí cho người mua để làm cho họ yên tâm hơn về chiếc xe đang tìm hiểu. Do đó nếu không có bản báo cáo tình trạng xe vừa kể trên thì cũng không nên mua chiếc xe đó. Để giảm thiểu rủi ro lừa đảo, khi mua xe của tư nhân chỉ nên quan tâm tới những người sẵn lòng cho mình tới nhà xem xe. Tránh xem xe ở nơi khác không phải nhà riêng vì đã có nhiều trường hợp lừa đảo theo kiểu này.
Tiếp theo là chọn loại xe và dòng xe, chuyện này cũng khá thú vị. Chiếc xe trước của tôi là một chiếc SUV của Toyota nên tôi thiên về loại này, quan điểm bền và dễ bán của xe hãng này đã tạo ấn tượng khá sâu với một người Việt Nam như tôi. Theo nhu cầu của tôi, 3 chiếc xe thường gặp nhất khi tìm kiếm là Toyota RAV4, Honda CR-V và rất nhiều Nissan Rogue. Chiếc xe của Nissan giá tốt nhất nhưng lại hầu như không bán được, một số rao bán đã khá lâu. Tìm trên mạng chán, tôi lân la ra một số cửa hàng đại lý để xem họ tư vấn ra sao. Họ nói luôn vì tôi là người châu Á nên chắc tìm mua xe Nhật phải không (!) và họ sẽ không giới thiệu các dòng xe khác. Khi được hỏi về chất lượng của 3 loại xe nêu trên, một đại lý chia sẻ là “xe Toyota cũ chạy được 3 năm thì giá không giảm là mấy, mua không kinh tế bằng mua xe mới, còn xe Honda thì sau khi chạy được 100.000 dặm giá sẽ rẻ hơn hẳn so với Toyota có cùng số dặm. Còn tại sao xe Nissan nhiều như thế, bởi vì không ai mua Nissan cũ cả”. Khi được tham vấn, một người bạn am hiểu xe cộ ở Việt Nam nói với tôi là Subaru khá tốt, nên mua. Nhưng Subaru giá lại luôn ở tầm trên so với Toyota nên tôi đành khoanh vùng lấy vài chiếc RAV4 và CR-V để “chung kết”.
Sau khi đã chấm được các ứng cử viên tiềm năng rồi, tới bước hẹn xem xe và thử xe. Theo kinh nghiệm được nhiều người chia sẻ, nên trực tiếp gọi điện thoại (không nên làm việc qua email để tránh lừa đảo) hẹn lịch xem xe. Nên đặt lịch xem xe mỗi xe cách nhau chừng 45 phút, như vậy bạn có thể xem và thử được từ 3 tới 4 chiếc xe trong vài giờ và trong cùng ngày. Khi gọi điện đặt lịch xem xe, bạn nên quan tâm tối thiểu các vấn đề sau đây với người chủ đang rao bán xe:
– Lịch sử xe có an toàn không?
– Xe có hợp pháp (chính chủ) không, xe có thuộc diện cầm cố, tranh chấp hay không, xe có bị tai nạn gì không.v.v…)
– Xe có ổn định không? Có chạy nhiều không? Có vấn đề gì lớn không?
– Xe có hiện tượng chảy dầu không?
– Lý do tại sao bán xe?
– Tuỳ loại xe, nếu số công tơ mét cao hơn 100 ngàn dặm, bạn nên hỏi chủ xe xem đã thay bơm nước và đai cam chưa, nếu đã thay có hoá đơn chứng nhận nơi đã thay hay không. Thông tin này cực kỳ quan trọng, vì nếu xe đã sử dụng quá giới hạn khuyến cáo của nhà sản xuất (thường là 80-100 ngàn dặm) mà lái xe chưa thay đai cam, máy của chiếc xe có thể sẽ bị phá hỏng hoàn toàn bất cứ lúc nào nếu đai cam bị đứt. Bản thân cái đai cam không đắt tiền nhưng công mở máy ra và thay nó rất đắt và đòi hỏi kỹ thuật cũng như độ chính xác cao (Đây là chi tiết rất hay sơ sót quên hỏi khi mua xe đã qua sử dụng đặc biệt xe có số công tơ mét cao trên 100 ngàn dặm. Thường khi chủ xe sẽ thay hai thứ này cùng lúc vì tận dụng cùng một công mở máy ra thay.
Những thông tin trên sẽ dùng nó để đối chiếu, kiểm tra chéo với thực trạng chiếc xe khi tới xem và cũng để đánh giá xem người bán xe trung thực tới mức nào hoặc họ là người có quan tâm, bảo dưỡng chiếc xe mà họ đang rao bán hay không.
Đấy là đối với trường hợp mua xe của tư nhân. Đối với đại lý thì bạn có thể ra tận nơi hoặc dùng các trang web hoặc ứng dụng như autotrader, carguru, Carfax, Edmunds, carmax, cars.com, truecar… để có nhiều lựa chọn. Nên chọn địa lý to, uy tín thì dễ tin tưởng hơn, còn đại lý mà đánh giá thấp thì còn tệ hơn là mua trực tiếp qua chủ xe nhiều. Nhiều đại lý nhỏ người Ấn Độ, Mexico hay mua xe cũ có vấn đề thông qua đấu giá rồi mông má lại, nhìn bóng bẩy nhưng máy móc có thể không bảo đảm.
Thường các đại lý thì xe cũ (ko phải đại lý ủy quyền của hãng) thường sẽ được bán theo kiểu ký xong ráo mực là không còn trách nhiệm, trừ Carmax là luôn có 30 ngày bảo hành và 5 ngày để trả lại. Còn xe có xác nhận của hãng (CPO) và bán qua đại lý ủy quyền của hãng thì thường được bảo hành 1 năm và tất nhiên có giá bán thường đắt hơn xe cũ ko đc certified.
Nên tới nơi bán để xem xe hơn là để chủ xe đưa xe tới. Mục đích là bạn có thể quan sát xem khu vực nền đất phía dưới gầm xe, gần máy của xe, có dấu hiệu của dầu, chảy dầu v.v. hay không. Mẹo nhỏ này giúp phát hiện xe có hiện tượng chảy dầu máy (ở mức nặng, chảy nhiều dầu) khá chính xác. Trong trường hợp bất khả kháng, chủ xe lái xe tới chỗ bạn cho bạn xem xe, sau khi lái thử hãy đậu xe vào nơi bằng phẳng sạch sẽ, và hãy cố gắng kéo dài thời gian trao đổi với chủ xe, càng lâu càng tốt. Mục đích là có đủ thời gian để kiểm tra xem dầu máy có bị rò, chảy không (vì xe ô tô khi hoạt động, dầu máy sẽ nóng và sẽ chảy/thấm nhanh hơn, và có thể để lại dấu vết tại khu vực bạn đỗ chiếc xe đó).
Một số điểm cần lưu ý khi xem xe:
– Đồng hồ báo (odometer) xem có các đèn bất thường nào không? (màu đỏ thường thể hiện mức độ cảnh báo cao nhất, màu vàng mang tính nhắc nhở).
– Nội thất trong xe (ghế lái, vô lăng, cần gạt để mở cửa xe)
– Mở nắp capô nơi chứa máy, quan sát xem có dấu hiệu của dầu máy bị tràn không? Bình dầu cho tay lái trợ lực có bị chảy không? Các loại cápcó bị rạn nứt không? Nhiều chủ xe dùng dung dịch làm sạch toàn bộ máy nhưng nếu rò dầu vẫn có thể bị phát hiện khi nhìn xung quanh viền động cơ vẫn có vết bóng, trên nóc của nắp capo nếu bị nóng vẫn có vệt để lại.
– Nổ máy, đạp ga hơi căng để nghe tiếng máy xem có bị gằn máy không? Máy có bị rung, lắc không?
– Tắt máy, hạ nắp capo xuống, kiểm tra đèn pha chiếu sáng, đèn xi-nhan, còi.
– Mở cốp sau kiểm tra xem còn bánh dự phòng không? Kiểm tra xem chiếc bánh này là loại “full size” hay “compact”, còn mới hay cũ. Full size tức là bánh dự phòng hoàn toàn tương đồng với 4 chiếc bánh còn lại của xe, có thể tráo đổi cho nhau v.v. Compact là loại bánh dự phòng có kích cỡ nhỏ hơn, thường chỉ dung cho mục đích tạm thời thay thế chiếc bánh bị xẹp hơi, bạn không thể sử dụng bánh compact thường xuyên như loại full size được. Nếu bánh dự phòng còn mới có nghĩa là xe ít bị hỏng và ít phải thay lốp; bánh dự phòng cũ, mòn có nghĩa là chiếc xe đã bị thay sửa khá nhiều, cũng có nghĩa là số công tơ mét của xe cũng khá cao
– Kiểm tra lốp xe xem độ bám ra sao, lớp cao su còn dày hay mỏng?
– Kiểm tra đèn phanh xem phía sau xe. Nếu cháy một đèn có thể thay rất đơn giản, nhưng nếu cả ba đèn phía đuôi xe đều cháy (khi đạp phanh trong xe) có thể hệ thống điện trên xe có thể có vấn đề, chi phí sửa chữa sẽ rất cao.
Sau khi kiểm tra “sơ bộ” như trên thì hãy lái thử xe và mặc cả giá.
Xem tiếp: Mua xe cũ ở Mỹ (kỳ cuối): Mặc cả sát ván
Anh Anh
Bình luận