Mấy hôm nay, trên các trang mang xã hội, rất nhiều người quan tâm tới hành trình sang Mỹ của xe điện VinFast đang nói rất nhiều về việc xe điện của VF chưa có chứng chỉ EPA nên không được lưu hành tại Mỹ, chủ sở hữu xe không mua được bảo hiểm, vân vân và mây mây. Có điều, dường như đa số người nêu vấn đề này lại chưa hiểu được bản chất của chứng chỉ EPA. Vậy EPA là cái gì?
EPA là tên viết tắt của Environmental Protection Agency (cơ quan bảo vệ môi trường liên bang Mỹ). Đối với ngành công nghiệp ô tô, cơ quan này xây dựng các tiêu chuẩn về khí thải, các tiêu chuẩn này mang tính bắt buộc trên toàn nước Mỹ đối với xe mới đưa vào lưu hành cũng như xe đang xử dụng. Mỗi chiếc xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn này mới được phép lưu hành, đơn giản là vậy. Đối với xe hơi sử dụng động cơ đốt trong, khi vận hành tất yếu sẽ sinh ra khí thải. Nếu mức khí thải lớn hơn các tiêu chuẩn của EPA, chiếc xe đó sẽ không được cấp phép lưu hành và nhà sản xuất sẽ phải thực hiện các thay đổi cần thiết cho đến khi nó đạt các chỉ số theo tiêu chuẩn EPA.
Đối với xe đang lưu hành việc kiểm tra định kỳ cũng diễn ra tương tự. Nếu xe không đáp ứng tiêu chuẩn, chủ xe sẽ phải mang đến các cơ sở được cấp phép để tiến hành sửa chữa để đám bảo việc tuân thủ tiêu chuẩn. Đối với xe điện, rõ ràng là khi vận hành, nó không sinh ra khí thải, trong thuật ngữ tiếng Anh gọi là “tailpipe emission”. Tuy nhiên khi sạc điện, chiếc xe gián tiếp gây ra ô nhiễm khí thải tại nhà máy sản xuất điện nếu các nhà máy này không sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời.
Việc thử nghiệm đối với xe mới được thực hiện tại một cơ sở kỹ thuật cao mang tên National Vehicle and Fuel Emissions Laboratory (NVFEL) đặt tại thành phố Ann Arbor, bang Michigan. Mỗi chủng loại xe sẽ có quy trình kiểm định tương ứng. Với xe điện sẽ có các chu trình kiểm tra bao gồm:
– Single-Cycle City Test Procedure – Quy trình kiểm tra vận hành trong phố
– Single-Cycle Highway Test Procedure – Quy trình kiểm tra vận hành trên cao tốc
– Multi-Cycle City/Highway Test Procedure – Quy trình kiểm tra vận hành hỗn hợp
– Adjustment Procedure – Quy trình đánh giá tiêu hao năng lượng và quãng đường di chuyển
Các chu trình kiểm tra được thực hiện trên bàn dyno trong phòng thí nghiệm với chiếc xe được sạc đầy pin, để qua đêm sau đó tiến hành chu trình mô phỏng vận hành trong phố, trên cao tốc, hỗ hợp và đánh giá tiêu hao năng lượng.
Ở mỗi chu trình kiểm tra chiếc xe sẽ được chạy cho tới khi kiệt pin, sau đó nó được sạc đầy, để qua đêm và ngày hôm sau tiếp tục tiến hành chu trình thử nghiệm kế tiếp. Khi sạc đầy lại chiếc xe sau mỗi chu trình kiểm tra, người ta sẽ đo tổng lượng điện năng được tiêu thụ để sạc đầy pin.
Do chiếc xe được thử nghiệm trong điều kiện phòng thí nghiệm nên điều kiện vận hành sẽ có khác biệt với điều kiện thực tế mà chiếc xe sẽ trải qua. Do vậy, quãng đường chiếc xe chạy được ở mỗi chu trình kiểm tra sẽ nhân với 0.7 để ra quãng đường thực tế. Đây sẽ là kết quả cuối cùng được EPA xác nhận. Tổng lượng điện tiêu thụ để sạc đầy pin sẽ được quy đổi ra năng lượng ở mức 1 gallon nhiên liệu tương đương 33.7 kilowatt giờ. Kết hợp với quãng đường di chuyển mà EPA đã xác nhận sẽ tính ra mức tiêu hao năng lượng MPGe (Miles Per Gallon equivalent).
Tất cả các thông số này sau đó sẽ được ghi trên tem kiểm định FE dán trên kính xe của mẫu xe được kiểm nghiệm. Vậy liệu một chiếc xe điện có khả năng không đạt các bài kiểm tra của EPA hay không? Đối với xe động cơ đốt trong và sinh ra khí thải thì việc không vượt qua các tiêu chuẩn môi trường của EPA là hoàn toàn có thể, nhưng một chiếc xe thuần điện thường sẽ không gặp trường hợp này.
Đơn cử như Tesla, mọi mẫu xe của Tesla đều được EPA kiểm nghiệm, nhưng tất cả các mẫu này khi được kiểm nghiệm ở điều kiện thực tế bởi chuyên trang Edmuns đều cho kết quả thấp hơn so với thông số mà EPA công bố… Và dù như vậy, xe Tesla vẫn lưu hành bình thường ở Mỹ chứ chả có cấm đoán nào cả.
Lưu ý là EPA chỉ kiểm nghiệm các vấn đề liên quan đến khí thải, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, trong khi việc lưu hành của một mẫu xe mới còn phụ thuộc vào các tiêu chuẩn an toàn của phương tiện cơ giới đường bộ FMVSS do cơ quan quản lý về an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA quản lý. Thêm nữa, EPA cũng chưa phải là bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất được áp dụng tại Mỹ, CARB hay cơ quan quản lý tài nguyên môi trường bang California mới là nơi đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe nhằm nâng cao các tiêu chuẩn khí thải. Hiện nay tiêu chuẩn CARB đang được áp dụng tại 15 bang trên nước Mỹ. Nhưng tương như như các tiêu chuẩn của EPA, việc một chiếc xe điện đáp ứng được các tiêu chuẩn của CARB là không hề khó.
Bài viết của chuyên gia F1 Lân Phạm
Bình luận